Micro Feedback hay những phản hồi thiết kế chi li quá mức như “dịch cái này lên một xíu, cái này qua trái một xíu, đỏ một xíu, xanh một xíu,…” đây là những feedback luôn mang lại cảm giác khó chịu cho người nhận.
Nhưng đừng vội bó tay chịu trận, mọi việc đều có cách giải quyết, hãy cùng BT.Studio điểm qua 4 điều nên làm khi khách hàng cứ micro feedback!
1.Đừng ngại hỏi lý do tại sao.
Một số Designer vì muốn “làm đại cho xong” nên thường im lặng và làm theo những yêu cầu sửa lặt vặt, điều này không tốt cho kết quả cuối cùng của thiết kế, và lâu dài thì không tốt cho cảm hứng của Designer.
Nếu cả Designer và khách hàng cùng hiểu điểm không ổn của vấn đề, cái “gai” sẽ được nhổ ra gọn gàng và đúng cách hơn rất nhiều. Ví như “người xem cần được thu hút bởi tiêu đề nhiều hơn” sẽ tốt hơn so với “chỗ này không ổn, cho chữ to lên, bông hoa phải dịch sang phải một chút,…”
2.Xin ví dụ cụ thể.
Đôi khi có những khách hàng kì vọng Designer sẽ tiến vào trạng thái “thăng hoa” và cho ra đời những tác phẩm xuất sắc hơn cả mức mong đợi, thế nên họ không gửi ví dụ (hoặc references) để Designer không bị ảnh hưởng.
Nếu bạn đang nghi ngờ mình đang gặp trường hợp này, hãy nhẹ nhàng xin những ví dụ cụ thể mà khách hàng muốn hoặc liệt kê một vài ví dụ để xem khách hàng đang thực sự muốn gì sau những dòng brief.
3.Tập trung vào mục tiêu thiết kế
Mỗi dự án đều có mục tiêu thiết kế cần đạt được. Dự án sẽ chẳng đi đến đâu nếu khách hàng cứ loanh quanh yêu cầu sửa những lỗi tủn mủn xoay quanh thẩm mỹ, hãy khéo léo nhắc về mức độ ưu tiên của mục đích thiết kế.
Hãy giải thích thật logic bằng research, data, và những kinh nghiệm trước,… đó rằng tại sao các thiết kế của bạn đã đạt được những mục tiêu thiết kế đó, và chỉ đang tìm thêm phương án để nâng cao chất lượng cuối cùng mà thôi.
4.Giới hạn số lần feedback.
Khi bắt đầu dự án, đừng quên ghi chú trong hợp đồng về số lần khách hàng được feedback, và định nghĩa những feedback dạng nào sẽ là những feedback đúng và hợp lý để dự án hiệu quả.
Những điều khoản được buộc trong hợp đồng sẽ làm tiến độ dự án hiệu quả hơn, designer có trách nhiệm và khách hàng cũng sẽ chú ý tới những góp ý của mình hơn.
Vừa rồi là 4 điều BT.Studio gợi ý các bạn nên làm khi gặp phải trường hợp trớ trêu như micro feedback, và một điều nữa hãy nhớ rằng dự án sẽ hiệu quả nhất khi cả Designer và khách hàng cùng hoạt động như một team, đừng vì ấn tượng không tốt mà bỏ ngang phần trao đổi với khách hàng nhé.